Tuy lượng cung cấp nhỏ, thậm chí rất nhỏ, nhưng số vitamin cần thiết lại lên đến 13, gồm bốn vitamin tan trong dầu là A, D, E, K và chín vitamin tan trong nước như vitamin C, các vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6, PP…). Còn chất khoáng là các chất vô cơ được bổ sung hằng ngày. Có loại chất khoáng gọi là các nguyên tố đại lượng được cung cấp số lượng lớn như calci (Ca), phosphor (P). Có loại cung cấp rất ít gọi là các nguyên tố vi lượng như sắt (Fe), iod (I), kẽm (Zn)… Cũng giống vitamin, hằng ngày ta được cung cấp chất khoáng nhờ thực phẩm.
Nếu hằng ngày ta ăn uống với chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ thì không sợ thiếu vitamin và chất khoáng. Tuy nhiên, có một số đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin, đó là người ăn kiêng (người ăn chay trường), người bệnh (nhiễm trùng, phỏng, phẫu thuật), người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người nghiện rượu, người hút thuốc nhiều… Đối với trẻ nhỏ, những trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn cần được bổ sung vitamin và chất khoáng. Sau giai đoạn bị bệnh (nhiễm trùng, ho hen, tiêu chảy…), việc cho trẻ uống vitamin và chất khoáng cũng rất cần thiết.
Không nên lạm dụng thuốc bổ ở trẻ
Về mặt lý thuyết, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và thể trạng bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin.
Tuy nhiên, nếu có nghi ngờ về chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng nên bổ sung vitamin. Bởi vì các vitamin vốn có trong thực phẩm sẽ bị mất đi hay giảm trầm trọng trong một bữa ăn đầy đủ nhưng chất lượng thực phẩm không đảm bảo (rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C), hoặc bảo quản, chế biến thực phẩm không tốt (gạo càng trắng càng ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C không còn…). Vì vậy, nhiều khi bác sĩ vẫn khuyên trẻ khỏe mạnh uống bổ sung vitamin và phải dùng đúng liều lượng.
Còn với trẻ béo phì, bác sĩ thường khuyên nên ăn chế độ ít chất béo và cần thiết phải bổ sung các vitamin, vì chế độ ăn kiêng ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K (nên lưu ý, vitamin và chất khoáng không cung cấp năng lượng).
Đối với trẻ dưới bốn tháng tuổi chỉ cho trẻ bú sữa mẹ, không nên dùng thêm bất cứ loại thực phẩm nào khác, kể cả thuốc chứa vitamin và chất khoáng. Muốn bổ sung vitamin cho trẻ, người mẹ nên uống thuốc bổ và cho con bú sữa mẹ để thông qua sữa mẹ con được nhận vitamin.
Có một số phụ huynh cho trẻ dùng quá nhiều thuốc bổ dẫn đến thừa vitamin và chất khoáng, điều này rất có hại. Đặc biệt, một số phụ huynh cho trẻ dùng thuốc bổ và nghĩ rằng thuốc có thể thay thế thức ăn nên không quan tâm cho trẻ ăn uống đầy đủ. Kết quả trẻ dùng thuốc bổ mà vẫn bị suy dinh dưỡng.
– Thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng không thay thế được thức ăn. Vẫn phải cho trẻ ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm. Nếu thấy cần bổ sung vitamin và chất khoáng cho trẻ, nên hỏi ý kiến bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn của sản phẩm thuốc để dùng đúng liều lượng. Đừng bao giờ nghĩ thuốc bổ là vô hại và cho trẻ dùng theo quan niệm: “Không bổ dọc cũng bổ ngang”.
– Trong các loại vitamin, vitamin A và D nếu quá liều sẽ tích lũy trong cơ thể và có thể gây ngộ độc. Phụ nữ có thai và trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh, dùng quá liều vitamin A, vitamin D sẽ rất nguy hiểm. Phụ nữ mang thai thừa vitamin A có thể dẫn đến dị tật thai. Trẻ sơ sinh thừa vitamin A sẽ bị tăng áp lực sọ não dẫn đến lồi thóp, viêm dây thần kinh thị giác. Dùng quá liều vitamin D sẽ gây vôi hóa nhau thai ở phụ nữ có thai, còn trẻ thì bị chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn. Ở nước ta, đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ do uống quá liều vitamin A, D bị tác dụng phụ gây tăng áp lực sọ não, bị lồi thóp phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nếu dùng loại multivitamin (đa sinh tố) ngày uống một viên thì phải xem kỹ thành phần, thuốc không được chứa quá 5.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A và không quá 400 IU vitamin D. Nếu dùng loại sirô, phải lấy số giọt hoặc thể tích (số ml) theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc. Nên cho trẻ dùng dạng thuốc dung dịch uống, vì vừa dễ uống, vừa dễ hấp thu.
– Không nên dùng vitamin C liều cao (hơn 1g/ngày), vì có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận khi dùng dài ngày. Hiện nay có loại thuốc viên vitamin C dạng sủi bọt chứa 1g dược chất mỗi viên, không nên xem đây là nước giải khát và cho trẻ uống nhiều, vì có thể gây ngộ độc.
Nguồn: suckhoe
Cửa nhôm Xingfa là sản phẩm cửa chính được làm từ hợp kim nhôm cao…
Quạt hướng trục hiện nay đang rất được ưa chuộng, dần trở nên thịnh hành…
Sau thời gian dài sử dụng, các bộ phận trên xe sẽ có những thay…
Hệ thống điện trên ô tô đóng vai trò như “hệ thần kinh trung ương”…
Các dòng xe ô tô điện 5 chỗ được người tiêu dùng quan tâm khi…
Vết chân chim ở mắt là tình trạng xuất hiện nhiều khi da bắt đầu…