T4, 04 / 2014 8:30 sáng |
Món bánh xèo Việt đã có sự giao duyên lạ kỳ với bánh kếp trên bàn ăn ở nước ngoài.

Khi chuẩn bị một bữa cơm Việt, có lúc những bạn người Âu đề xuất chọn một món đặc trưng Việt nhưng làm sao cả chủ và khách đều có thể tham gia nấu nướng. Khi đó, bánh xèo là một lựa chọn khá thích hợp. Nó cho phép bạn có thể biến tấu đi đôi chút để phù hợp với điều kiện sống khi xa Tổ quốc.

Bánh xèo là một loại bánh dân dã của người Việt. Vỏ bánh được làm từ bột gạo tẻ xay nhuyễn. Bột này được hòa với nước và một vài loại gia vị rồi đem tráng mỏng và rán vàng trên chảo nóng. Còn nhân bánh từ thịt, tôm, giá đỗ… được rải lên trên vỏ bánh. Lúc này, người ta đậy vung lại và chờ thêm vài phút cho nhân chín. Rồi bánh được gấp thành hình bán nguyệt và đặt lên đĩa.

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 1

Bánh xèo Việt

Không ai biết bánh xèo có từ bao giờ và có nguồn gốc từ đâu. Với tên gọi bánh xèo, nó đã rất phổ biến ở mọi nơi, nhưng bánh xèo mỗi vùng có đặc trưng riêng. Bánh xèo miền Trung thường rất giòn, với nhân tôm hay hải sản. Bánh xèo miền Nam thường dẻo, khá dai, mang vị béo của nước cốt dừa. Nhân bánh xèo Bắc còn thêm củ đậu thái mỏng, nên bánh có vị thanh, ăn mát, hợp với phong cách thưởng thức của con người nơi đây.

Các loại rau ghém ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng, tùy thuộc “cây nhà lá vườn” của từng vùng. Thường là xà lách, rau diếp, tía tô, húng quế… Nước chấm cho bánh xèo cũng đa dạng: từ nước chấm chua ngọt chế từ nước mắm, giấm, đường, đến nước lèo chế biến từ đậu tương, lạc…

“Bạn đồng minh” của bánh xèo Việt là bánh kếp (tiếng Pháp là Crêpe). Vỏ bánh kếp làm từ bột mì trộn với trứng, sữa, nước, nhưng cách chiên bánh kếp khá giống với bánh xèo. Hỗn hợp bột làm bánh kếp được dàn mỏng trên chảo phẳng, nóng; chảo thường có hình tròn. Nhân được phết lên vỏ bánh kếp, rồi gấp đôi thành hình bán nguyệt hoặc gấp tư, hoặc cuốn tròn.

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 2

Bánh crêpe (kếp)

Bánh kếp có nhiều phiên bản khác nhau. Bạn có thể gặp những phiên bản này ở các nước châu Âu, có cả nhân mặn và nhân ngọt. Bánh kếp nhân ngọt được làm từ các loại mứt, hoa quả tươi, kem sữa, socola… là loại thường gặp hơn cả. Bánh này được dùng như món tráng miệng trong cuối mỗi bữa ăn.

Bánh xèo Việt vốn được làm để ăn nóng. Tuy nhiên, khi số thực khách quá đông, sẽ khó đảm bảo tiến độ cung cấp bánh, nhất là cho những bạn Tây to lớn và háu ăn. Kết quả là những người chế biến và rán bánh xèo bị biến thành “robot đầu bếp”. Đến đây, khả năng sáng tạo của người Việt sẽ được phát huy khi tận dụng ưu điểm của bánh kếp: vỏ bánh có thể làm trước với số lượng lớn, nhân bánh được bày sẵn để khách ăn tự phục vụ mình. Tận dụng quy trình làm bánh kếp sẽ giúp chủ nhân món bánh xèo Việt có thời gian giới thiệu về nghệ thuật ẩm thực nước mình, thoát khỏi cảnh dù "tay năm tay mười" mà vẫn không kịp làm đủ lượng bánh cho khách thưởng thức.

Quy trình Âu hóa bánh xèo khá thú vị. Một số lượng lớn vỏ bánh xèo được tráng mỏng và rán vàng (giống như trong quy trình làm bánh kếp) trong khi đó, nhân bánh xèo được chuẩn bị trước rồi bánh được đem gói hàng loạt (thay vì trải nhân từng chiếc theo cách làm truyền thống).

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 3

Một số lượng lớn vỏ bánh xèo được tráng mỏng và rán vàng (giống như trong quy trình làm bánh kếp)…

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 4

… trong khi đó, nhân bánh xèo được chuẩn bị trước rồi bánh được đem gói hàng loạt (thay vì trải nhân từng chiếc theo cách làm truyền thống)

Trước khi ăn khoảng 15 – 20 phút thì người ta sẽ đưa thứ bánh xèo “Âu hóa” này vào lò nướng. Với cách biến tấu này, bánh xèo đã đáp ứng yêu cầu của các bạn Âu là được tham gia cùng làm. Người Âu, dù là nam hay nữ, đều khá thạo làm bánh kếp, nên bạn đều có thể vận động những thực khách của mình cùng tham gia rán vỏ bánh, cắt thái nhân và gói bánh. Chủ nhà sẽ hoàn toàn đóng vai "chỉ đạo nghệ thuật" kiêm pha chế các loại nước chấm.

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 5

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 6

Bánh có thể gói thành hình tam giác hoặc vuông

Sau khi xếp bánh vào lò, mọi người có thể nghỉ ngơi, nhấm nháp chút rượu. Khi mùi bánh thơm lừng, ấy là lúc mọi người chỉ việc nhận phần rau ăn kèm và nước chấm để thưởng thức món bánh xèo.

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 7

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 8

Sau khi gói xong bánh được xếp vào lò nướng

Khi làm bánh xèo Việt biến tấu, có thể dùng nguyên liệu cho vỏ bánh bằng bột gạo hay bột mì còn với nhân bánh thì các loại nấm sẵn có ở châu Âu có thể cũng có thể sử dụng được (nấm rất phù hợp với những người ăn kiêng). Ngoài ra, bạn cũng có thể làm nhiều vỏ bánh hơn khi làm bánh xèo vì số vỏ còn lại dùng cho bánh kếp nhân ngọt – món tráng miệng cuối bữa.

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 9

Ở châu Âu, bạn cũng có tể tận dụng nấm làm nhân

“Âu hóa” bánh xèo bạn sẽ cảm nhận được hương vị của bánh xèo miền Nam, vì vỏ bánh khá dai. Tuy nhiên, nếu thêm củ đậu thái mỏng, bánh sẽ gợi được hương vị của miền Bắc.

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 10

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 11

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 12

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 13

Ở châu Âu, ngoài các loại rau sống ăn kèm như xà lách, người ta có thể thêm dưa chuột, củ cải đỏ, cà chua… Pha nước chấm cho bánh xèo tương tự như pha nước chấm cho nem rán. Có thể dùng xì dầu, tương ớt chua ngọt làm nước chấm tùy khẩu vị.

"Giao duyên" bánh xèo Việt và bánh kếp Tây - 14

“Âu hóa” bánh xèo không làm mất hương vị Việt của bánh bởi về bản chất nhân, rau, nước chấm… vẫn giữ nguyên. Nếu thích sự "âu hóa" này, vào những ngày nghỉ hay các dịp lễ tết, bạn hãy thử nhé! Chắc chắn sẽ khiến bất kỳ ai thưởng thức cũng phải thích thú.

Bài viết cùng chuyên mục