Giá trị sống cho bản thân :
Yêu thương : Đây là nền tảng cơ bản nhất cho mọi giá trị, không có sự yêu thương thì không có tình cha mẹ, không có lòng hiếu thảo, không có sự quan tâm đến kẻ khác và cũng không có lòng yêu nước.
Thế nhưng, yêu thương là sự quan tâm, là sự chấp nhận và tôn trọng chứ không phải là sự chiều chuộng, là sự bất chấp hay hy sinh mù quáng, và cũng không có sự sùng bái một cá nhân, một đối tượng hay một chủ thuyết nào. Yêu thương cũng phải có sự chừng mực và có sự tỉnh táo của lý trí.
Trung thực: Đây là một giá trị đơn giản nhưng rất khó thực hiện, bởi có những yếu tố dễ dàng tác động để tạo nên sự thiếu trung thực : Chỉ nói một phần sự thực ( trong hoạt động tuyên truyền, quảng cáo ) chỉ nói những sự thực có ích lợi ( cho bản thân, gia đình hay cho tập thể), chỉ nói những điều được phép nói ( trong hoạt động truyền thông và cả giáo dục!) vì thế, một nguyên tắc để xây dựng tính trung thực cho trẻ là :
– Giữ lời hứa: Vì thế hãy thận trọng khi hứa, và chỉ hứa những gì có thể làm được.
– Có sự Tin tưởng : Hãy tin tưởng vào trẻ, không nghi ngờ và nên có suy nghĩ tích cực cho những lời nói và hành động của trẻ. Trẻ chỉ tin tưởng những người tin tưởng chúng !
– Không gây hại : Hãy nói đúng nhưng điều đó không gây hại cho bản thân và cho người khác!
Giá trị sống hướng đến kẻ khác:
Tôn trọng: Trẻ cần được hướng dẫn để biết tôn trọng người khác, không chỉ là những người lớn trong gia đình mà còn là những người trong xã hội. Chúng ta dạy trẻ sự tôn trọng qua những giá trị về tư cách, về cách cư xử mà người lớn đối đãi với các em chứ không qua địa vị, bằng cấp hay tiền bạc mà họ có. Điều quan trọng là trẻ cần phải được tôn trọng thì mới có được sự tôn trọng với người khác.
Khoan dung: Người ta thường nghĩ rằng, khoan dung là thái độ của người lớn với trẻ, kẻ bề trên với người cấp dưới, nhưng chính trẻ cũng phải có lòng khoan dung để không khinh chê, nhạo báng, coi thường những người nghèo khổ, khó khăn và không xét nét, phê phán kẻ khác. Trẻ cũng học được lòng khoan dung khi được sống trong một môi trường giáo dục không có sự áp đặt, trong bầu khí không có sự phê phán, miệt thị của người lớn đối với các em.
Giá trị sống hướng đến cộng đồng :
Trách nhiệm: Trẻ cần được tập để nhận biết trách nhiệm về mình ngay từ nhỏ, từ việc có thể chọn lựa, nhưng không được thay đổi quyết định của mình khi đã chọn lựa cho đến việc không đổ thừa cho người khác hay các yếu tố bên ngoài cho các sai lầm của mình.
Đôi khi trong cách giáo dục của cha mẹ lại vô tình khuyến khích việc đổ lỗi của con cái qua việc trách phạt không hợp lý khi trẻ nhận lỗi hoặc chính cha mẹ cũng làm gương cho con trong cách sống vô trách nhiệm của mình
Đoàn kết: Chúng ta thường dạy trẻ đoàn kết bằng khẩu hiệu chứ không bằng các hoạt động thiết thực, vì thế việc hướng dẫn trẻ biết quan tâm, tôn trọng thông qua các hoạt động sinh hoạt nhóm từ trong gia đình đến nhà trường là nền tảng cho sự phát triển tính đoàn kết của trẻ sau này.
Từ các yếu tố trên, cùng với sự phát triển về thể chất và trí tuệ, trẻ sẽ hình thành những ý thức về giá trị của bản thân, để có đủ nội lực đứng vững trước những tác động xấu từ bên ngoài. Quá trình giáo dục giúp trẻ phát triển những giá trị bản thân không phải là những bài học theo kiểu mì ăn liền, tác động ào ạt bằng các biện pháp “khoa học – tiên tiến” có giá trị “Quốc tế” mà phải là những hướng dẫn chăm sóc xuất phát từ tấm lòng thương yêu, tôn trọng với sự kiên trì và nhẫn nại theo thời gian và luôn luôn cái bệ xuất phát phải là một môi trường gia đình có tình yêu thương, có sự tin tưởng và có lòng tôn trọng giữa các thành viên. Đây là những yếu tố không thể mua bằng tiền dù với bất cứ giá nào !