Bệnh trĩ thường xảy ra trên nhiều đối tương nhưng thường gặp nhất là ở người cao tuổi, vì bệnh này lúc đầu ít gây ảnh hưởng đến hoạt động nên nếu không có cách điều trị kịp thời sẽ gây khó khăn:
Biểu hiện của bệnh
Đại tiện ra máu, thường là máu đỏ tươi ngay sau đi đại tiện và chỉ kéo dài một khoảng ngắn rồi tự cầm. Nếu nhẹ đại tiện mới lòi ra, đại tiện xong tự co lại. Nặng thì không thể tự co vào được mà phải dùng tay ấn vào. Muộn hơn, chỉ cần rặn nhẹ cũng thò ra ngoài và co vào rất khó khăn; người bệnh ngứa rát, đau và khó chịu ở hậu môn. Thuyên tắc là biến chứng thường gặp nhất. Khi đó sẽ thấy một búi ở hậu môn, bệnh nhân rất đau, ngồi hoặc di chuyển khó khăn. Sau vài ngày, bệnh nhân sẽ bớt đau, bớt sưng, trĩ trở vào trong hậu môn. Vài trường hợp có thể loét, hoại tử gây nhiễm khuẩn nặng ở vùng chậu.
Phương pháp điều trị trĩ
Có thể chữa xuất huyết bằng cách tiêm xơ hóa để chặn đứng chảy máu. Các cơn trĩ cấp tính có thể điều trị bảo tồn vì đau và sưng sẽ hết sau vài tuần. Các cơn đau điều trị bằng thuốc bôi hoặc viên đặt để giảm đau hoặc uống daflon hoặc thuốc có ru-tin làm tăng sức bền thành mạch.
Dùng phương pháp nội khoa như tiêm xơ hóa búi trĩ, chỉ áp dụng cho bệnh trĩ nội chưa có biến chứng và chỉ ra máu khi đi đại tiện. Liệu pháp làm đông bằng tia hồng ngoại là cách điều trị hiệu quả nhất cho búi trĩ độ I, II nhưng tương đối đắt tiền. Đốt điện hiệu quả với trĩ độ III hoặc nhẹ hơn.
Phương pháp phẫu thuật cắt trĩ thường áp dụng khi bệnh đã tiến triển nặng ở độ III, IV, gồm: Cắt trĩ bằng laser; cắt trĩ ST. Mark: Nong hậu môn, kéo búi trĩ ra và cắt; phương pháp dòng điện cao tần: Làm cho đường cấp máu bị tắc nghẽn, khô và búi trĩ teo rụng trong thời gian ngắn; phương pháp Longo: Kéo trĩ về vị trí bình thường, khôi phục lại dây chằng. Đây là phương pháp tiên tiến nhất hiện nay vì thời gian phẫu thuật nhanh, bệnh nhân ít đau, chưa thấy biến chứng nặng hoặc tái phát.
Kết hợp với y học cổ truyền: Có thể dùng dạng thuốc uống, thuốc ngâm trĩ hoặc tiêm thuốc, liệu pháp đinh trĩ khô…
Cách phòng ngừa
Bệnh trĩ hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt khoa học hằng ngày như: Chế độ ăn uống điều độ, không quá no, không quá đói, đúng giờ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Ăn nhiều rau quả giúp phân mềm, tăng khối phân, bệnh nhân bớt phải rặn và gián tiếp tránh được bệnh trĩ. Uống nhiều nước giúp phân mềm dễ đại tiện. Hạn chế các chất kích thích như rượu, chè, cà-phê, chất cay nóng. Giữ vệ sinh ăn uống để phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa dễ phát sinh bệnh trĩ như rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa…
Duy trì chế độ tập thể dục đều đặn. Tránh đứng hoặc ngồi lâu, không nên ngồi xổm, nếu phải ngồi lâu không nên lót gối mềm dưới mông vì sẽ làm tăng chèn ép các tĩnh mạch. Tránh rặn nhiều khi đi ngoài làm tăng áp lực các tĩnh mạch trĩ. Tập thói quen đại tiện đúng giờ, đại tiện ngay khi cảm thấy muốn đại tiện, tốt nhất mỗi ngày đi đại tiện một lần vào buổi sáng. Giữ vệ sinh tầng sinh môn, nhất là sau mỗi lần đại tiện. Điều trị tích cực các bệnh làm tăng áp lực ổ bụng (như ho kéo dài, rối loạn tiêu hóa) hoặc cản trở máu trở về tim (như giãn tĩnh mạch cửa, xơ gan…).
Khi phát hiện đi ngoài ra máu tươi phải thăm khám sớm. Độ nặng của bệnh phụ thuộc vào mức độ suy của hệ tĩnh mạch trĩ, do vậy chữa càng sớm thì bệnh càng nhanh khỏi, càng đơn giản, giảm đau đớn, biến chứng và chi phí điều trị thấp.
Nguồn: suc khoe