Huyết áp tối ưu: khi huyết áp tối đa (hay huyết áp tâm thu) < 120mmHg và huyết áp tối thiểu (hay huyết áp tâm trương) < 80mmHg. Những người có tình trạng huyết áp tối ưu thường ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên những người có huyết áp thấp không thường xuyên cần được khám, xem xét để xác định nguyên nhân.
Thường xuyên đo huyết áp cho người lớn tuổi là một trong những cách giúp họ đảm bảo sức khỏe tốt nhất – Ảnh: VNN |
Huyết áp bình thường: Khi huyết áp tối đa < 130 mmHg và huyết áp tối thiểu < 85mmHg.
Huyết áp bình thường cao: Khi huyết áp tối đa từ 130-139mmHg và huyết áp tối thiểu từ 85-89mmHg.
Tăng huyết áp độ 1: Khi huyết áp tối đa từ 140-159mmHg, huyết áp tối thiểu từ 90-99mmHg.
Tăng huyết áp độ 2: Khi huyết áp tối đa từ 160-179mmHg, huyết áp tối thiểu từ 100-109mmHg.
Tăng huyết áp độ 3: Khi huyết áp tối đa > 180mmHg, huyết áp tối thiểu từ > 110mmHg.
Để khẳng định một trường hợp tăng huyết áp, nên đo huyết áp từ 2 lần trở lên rồi lấy chỉ số trung bình và nếu có thể thì dựa vào chỉ số huyết áp ở cả những lần khám sau thì càng chính xác. Khi chỉ số huyết áp tối đa và tối thiểu rơi vào hai độ khác nhau thì độ nào cao hơn sẽ được chọn để tính là độ cao huyết áp. Ví dụ: huyết áp đo được là 160/92mmHg được xếp vào tăng huyết áp độ 2.
Dựa trên chỉ số huyết áp đo được ở lần đầu các nhà lâm sàng khuyến nghị một kế hoạch theo dõi chỉ số huyết áp như sau.
Huyết áp tối đa < 130mmHg, huyết áp tối thiểu < 85mmHg. Kiểm tra chỉ số huyết áp trong 2 năm.
Huyết áp tối đa từ 130-139mmHg, huyết áp tối thiểu từ 85-89mmHg. Kiểm tra chỉ số huyết áp trong 1 năm.
Huyết áp tối đa từ 140-159mmHg, huyết áp tối thiểu từ 90-99mmHg. Khẳng định lại tình trạng tăng huyết áp trong 2 tháng.
Huyết áp tối đa từ 160-179mmHg, huyết áp tối thiểu từ 100-109 mmHg. Kiểm tra trong 1 năm. Người bệnh cần được tư vấn, xử trí hoặc đến khám tại các cơ sở y tế trong 1 tháng.
Huyết áp tối đa > 180 mmHg, huyết áp tối thiểu >110 mmHg. Người bệnh cần được xử trí ngay hoặc đến khám tại các cơ sở y tế sớm tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng.
Nếu huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu không cùng một mức độ thì kế hoạch theo dõi theo thời gian ngắn nhất. Ví dụ: chỉ số huyết áp đo được là 160/86mmHg thì người bệnh cần được tư vấn, xử trí hoặc đến khám tại các cơ sở y tế trong vòng 1 tháng.
Nếu ở lần theo dõi mà chỉ số huyết áp rơi vào mức nào thì điều chỉnh kế hoạch theo dõi theo mức đó. Ví dụ: ở lần đo đầu tiên chỉ số huyết áp là 130/86mmHg, sau 1 năm kể từ lần đo đầu tiên đi kiểm tra lại huyết áp theo kế hoạch cho thấy chỉ số huyết áp là 140/92 mmHg thì người bệnh cần phải được khẳng định lại có tăng huyết áp trong vòng 2 tháng.
Khi phát hiện được tình trạng tăng huyết áp, người bệnh cần được tư vấn để phát hiện các yếu tố nguy cơ, đồng thời đến các cơ sở y tế khám để xác định các tổn thương do tăng huyết áp gây nên để được tư vấn cũng như cần điều chỉnh lối sống và can thiệp điều trị kịp thời.
(Theo SK&ĐS)