Có một đứa con dễ thương, bụ bẫm là niềm mơ ước của tất cả phụ nữ trên đời này. Vậy mà vẫn có nhiều người mẹ ôm nỗi khổ vì… có con quá dễ thương. Đó là những cô cậu bé luôn nhận được sự quan tâm, “săn đón” từ những người thân, hàng xóm hay cả những người không quen biết vô tình gặp trên đường, trong cửa hàng: Nhìn ngắm, xuýt xoa khen dễ thương và có cả những cái hôn, bẹo má hết sức nhiệt tình…
Với trẻ nhỏ, hôn, bẹo má nhiều không tốt một chút nào. Bởi không chỉ làm trẻ đau, khó chịu mà điều này còn tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ. Mỡ ở má của trẻ nhỏ rất đầy đặn, trương lực của cơ bắp thấp, nếu trẻ bị người lớn hôn và véo vào má nhiều lần, sẽ làm cho tổ chức phần mềm và huyết quản, thần kinh ở đó bị tổn thương. Hơn nữa, ở hai má của trẻ có một đôi tuyến nước bọt tiết ra nước bọt, lại nối liền với ống tuyến nước bọt, mở to miệng ra là thấy ở viêm mạc má phía trong khoang miệng. Sự phát dục của tuyến nước bọt trẻ chưa hoàn toàn, tính đàn hồi của thành ống tuyến nước bọt kém, nếu thường xuyên bị những kích thích như nói trên sẽ làm cho sức co rụt của tuyến nước bọt và ống tuyến nước bọt hạ thấp, có thể làm cho nước bọt của trẻ chảy ra hoặc vi khuẩn ở trong khoang miệng qua ống tuyến nước bọt đi ngược trở lại mà gây nên cảm nhiễm tuyến nước bọt…
Lưu ý thêm cho các bà mẹ là không nên và hết sức hạn chế việc hôn môi và tai của trẻ nhỏ. Sức đề kháng của trẻ nhỏ kém, hôn môi trẻ dễ truyền nhiễm bệnh, truyền nhiễm vi khuẩn sang cho trẻ, tăng cơ hội nhiễm bệnh của trẻ, nhất là các bệnh viêm gan A, bệnh kiết lỵ, bệnh lao phổi v.v… Hôn lên tai của trẻ có thể tạo ra sức hút mạnh đến màng nhĩ, gây chấn thương tai hoặc ảnh hưởng đến thính lực sau này. Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, mẹ nên có những biện pháp bảo vệ như là từ chối khéo bằng cách, đưa bàn tay nhỏ xinh của trẻ cho mọi người hôn, sau đó, hãy rửa tay thật sạch cho trẻ. Đồng thời, mẹ cũng nên dạy trẻ cách từ chối khéo không cho người lạ hôn và bẹo vào má để trẻ biết cách tự bảo vệ mình khi không có mẹ bên cạnh.